Cơ điện, ngành nghề nông thôn

Gương điển hình sản xuất giỏi đã thành công sau khi tham gia đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn Thành phố

Thứ sáu, 13/01/2023, 15:06 GMT+7

Gương điển hình sản xuất giỏi đã thành công sau khi tham gia đào tạo nghề nông nghiệp trên địa bàn Thành phố

       Với mục tiêu tiếp tục thực hiện công tác Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn các quận, huyện nhằm tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động; gắn đào tạo nghề với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn giới thiệu đến người dân các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, ngành nghề nông thôn có hiệu quả có gắn kết với hoạt động đào tạo nghề:

MÔ HÌNH TRỒNG CÂY CẢNH CỦA ÔNG LÊ THÀNH TÂM, NGỤ 87/7B, ẤP 4, XÃ XUÂN THỚI SƠN, HUYỆN HÓC MÔN

Cùng với sự phát triển của xã hội, yêu cầu về nhu cầu vật chất và tinh thần của con người cũng thay đổi. Nhận thấy nhu cầu trồng cây cảnh, trang trí nội thất nhà ở, văn phòng nhằm tạo mảng xanh hiện nay là thiết yếu, đặc biệt phù hợp với thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Tuy nhiên, kiểng, cây cảnh có muôn vàng loại, đồng thời cũng có rất nhiều người nông dân kỳ cựu đã và đang trồng, kinh doanh mặt hàng này. Do đó, sẽ không dễ cho người mới bắt đầu. Nhưng điều này lại không làm khó được một người không phải là nông dân mà là người "kỳ cựu" với nghề du lịch, chưa hề có một ngày làm nông dân. Đó là chú Lê Thành Tâm, sinh năm 1959, ngụ 87/7B, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn. 
-Địa điểm đầu tư: 87/7B, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn
-Quy mô sản xuất với tổng diện tích: diện tích vườn 9.000 m2
-Sản phẩm và dịch vụ: cung cấp cây kiểng các loại.
-Lợi nhuận: 260 triệu - 480 triệu đồng/năm

Hình: Chú Tâm chăm sóc vườn kiểng
Chú Tâm tâm sự: Cái ngày mà chú quyết định từ bỏ công việc vốn gắn bó 15 năm để về quê "cắm câu  - trồng kiểng", cô (vợ chú) bị sốc bởi vì với công việc ở ngành nhà hàng, du lịch thời đó thì thu nhập của chú cũng kha khá vào những năm 1997, đủ để nuôi sống gia đình. Chú làm bên du lịch nên có cơ hội đi nhiều nơi, nhiều nước được nhìn thấy nhiều giống cây kiểng "độc, lạ". Hễ đi đến đâu gặp giống kiểng "lạ, độc, đẹp" chú đều “tậu” về trồng ở vườn nhà, chăm sóc rồi trang trí thành một khu vườn riêng, lâu dần thành "nghiện" với chúng. Vốn dĩ là một bộ đội xuất ngũ, cái gì khó cũng không sợ, cộng thêm đam mê, thế là năm 1997 (38 tuổi) khi sự nghiệp gần ở đỉnh cao nhưng chú nhận thấy bản thân không thể bám trụ mãi với nghề, chú đã đưa gia đình về huyện Hóc Môn mua 2.000 m2 đất mở vườn trồng kiểng. 
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, chú Tâm cho biết: Thời gian đầu hầu như chỉ "ra vốn" là chính, nghĩa là chú cứ đi nước ngoài, rồi thấy "giống ưng ý" là đem về. Sau đó, bỏ thời gian theo dõi, tự cập nhật kiến thức trên mạng, học cách chăm sóc chúng… giống như chăm một đứa con nhỏ, theo dõi từng li, từng tí một. Đầu ra hầu như chưa có, bởi lẽ các giống cây này quá mới với thị trường Việt Nam, chưa được bán rộng rãi. Điểm đặc biệt, kiểng này không thể đem ra chào hàng, bán đại trà vì "mới và mắc". 
Năm 2013, được Hội Nông dân xã Xuân Thới Sơn tuyên truyền, vận động, chú Lê Thành Tâm đã mạnh dạn vay 150 triệu đồng theo Quyết định 13 của UBND Thành phố để thuê thêm 3.000 m2 đất bên cạnh vườn hiện có và nhập thêm nhiều loại cây kiểng khác. Niềm đam mê, say sưa với cây kiểng lá: không khí, dứa màu Nam Mỹ không dừng lại ở 5.000m2, năm 2017, chú Tâm tiếp tục mở rộng thêm 1 vườn với diện tích 4.000m2. Tính đến nay, chú Tâm hiện đang sở hữu hơn 130 loại giống kiểng, nhập từ nhiều nước trên thế giới (chủ yếu là Thái Lan và Đài Loan), bởi vì 2 nước này khí hậu gần tương đồng với khí hậu Việt Nam. Tên của các loại kiểng đều có tên nước ngoài, do đó để "thuần hóa" và gắn với Việt Nam, chú Tâm lại rất thích thú trong việc đặt tên cho mỗi loại kiểng có trong vườn. Ngoài một số tên dễ gọi, quen thuộc như: Thần tài lá lớn, Trầu bà lá to, Cây môn, Kim Ngân, Osaka… Còn có rất nhiều loại với cái tên "kêu sa" do chú tự đặt: Cau Tiểu trâm, Cây Đại Gia, Phát tài kim cương, Lá ách chuồng, Đại Hoàng Phú, Bàng Quý Phi, Nhân sâm…Điểm nổi bật và thu hút khách tham quan ở vườn cây kiểng của chú Tâm là, mỗi nơi trong vườn được bố trí không giống nhau nó tùy thuộc cảm hứng "nghệ thuật" của chú. Một chút sáng tạo, chú đã khéo léo đặt từng loại kiểng vào nhiều nơi khác nhau như: gốc cây, hốc đá, vỏ sò, vỏ ốc, chai thủy tinh… từ đó giúp cây kiểng đẹp và bắt mắt hơn. Cách bố trí kiểng cũng vô cùng độc đáo: Tạo thành mái vòm nhà, vườn cây nho nhỏ, độ dốc khác nhau, xen kẽ lớn nhỏ, hoặc cùng 1 loại, hoặc xen kẽ để phối màu… Nếu một lần đến vườn chú Tâm, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác thoải mái, thư thả đầu óc, nhìn từ trên xuống giống như một thung lũng "hoa". Trong số các giống chú đem về có một loại gọi là "kiểng không khí". Kiểng không khí rất phù hợp với diện tích đất tương đối, cách trồng và chăm sóc lại khá giản đơn chỉ cần nắm kỹ thuật và một ít kinh nghiệm. Loại kiểng này chỉ sống nhờ không khí, rất thích hợp với những đô thị lớn, thiếu đất nhưng cần mảng xanh. Nét độc đáo khác của những loại kiểng không khí do chú Tâm sưu tầm và nhân giống là người chơi có thể treo xuôi, treo ngược thoải mái mà không ảnh hưởng gì đến quá trình tăng trưởng. Đặc biệt, loại nào cũng có hoa, từ màu đỏ, màu trắng đến màu vàng... Hoa của kiểng không khí có thể chưng đến 3 tháng hoặc có thể hơn mới tàn. Khi được hỏi về cách chăm sóc của loại kiểng này, chú Tâm cười vui vẻ và chia sẻ: “Không khó lắm đâu, chỉ cần treo kiểng ở nơi khô ráo, thoáng mát, 2-3 ngày phun nước một lần hoặc nhúng chúng vào chậu nước 10 -15 phút rồi treo lên là được. Giống kiểng này thuộc họ dứa nên sống rất khỏe. Tuy nhiên, để kiểng ra hoa, mỗi tháng phải phun thuốc sinh trưởng một lần nhưng liều lượng rất nhẹ, chỉ bằng 1/4 phun cho hoa lan”. Và một loại khác được ưa chuộng đó là kiểng lá (Dứa màu Nam Mỹ) - một loại kiểng có hình dáng dễ thương, bắt mắt, nhiều màu sắc khác nhau, có những cây bị đột biến với 2 màu (xanh pha trắng như cẩm thạch hoặc trắng pha đỏ…) rất thích hợp để trang trí trong nhà, văn phòng, quán cà phê, sân vườn…
Kết quả sau bao năm miệt mài gắn bó, nỗ lực, phấn đấu vì tình yêu, vì sự đam mê, đến nay "Hoa đã bắt đầu thơm, Trái đã được ngọt". Hiện nay, chú Tâm đang sở hữu vườn kiểng độc nhất vô nhị tại TP.HCM. Vườn kiểng Ba Tâm đã được nhiều người biết đến, không chỉ người dân địa phương hay huyện Hóc Môn mà nhiều nơi khác từ các tỉnh thành trong và ngoài TP.HCM. Khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới, họ tìm đến vườn chỉ để thỏa mãn niềm đam mê "độc, lạ". Mặt hàng chú đang có đáp ứng được nhu cầu của các các resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp… đến các khách hàng có thu nhập cao. Điểm thu hút khác của vườn là: Chỉ cần vài tháng đến thăm lại vườn, khách lại thấy có sự đổi mới từ cách bố trí đến giống cây cũng mới nhiều. Thu nhập bình quân của gia đình năm sau luôn cao hơn năm trước, ước tính sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi khoảng 30 đến 40 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chú còn tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân mỗi người từ 4 triệu đồng/tháng trở lên tùy theo tay nghề. Đây là mô hình mới, sự bức phá mới giúp người nông dân Hóc Môn hòa mình vào cuộc sống hiện đại.

MÔ HÌNH NUÔI CÁ CHÉP NHẬT, CÁ KOI TRONG AO ĐẤT

Nguyễn Tấn Phong, A3/69, ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh
Nghề nuôi, sản xuất cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh có từ rất lâu và từng có thời kỳ giữ vai trò nhất định ở khu vực Đông Nam Á. Những năm gần đây, mức sống của người dân thành phố ngày càng phát triển, nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc cơ bản đã được giải quyết thì việc vui chơi, sản xuất, kinh doanh cá cảnh bắt đầu nhộn nhịp trở lại và có chiều hướng phát triển. Người dân trong nghề nuôi cá cảnh đã chủ động tìm, cải tạo giống lạ - đẹp và tìm thị trường nước ngoài cho cá cảnh. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 300 hộ làm nghề nuôi, sản xuất cá cảnh, tập trung nhiều ở các quận 8, 12, Gò Vấp,   huyện Bình Chánh, Củ Chi và rải rác ở quận 9, Thủ Đức. Hầu hết người nuôi và kinh doanh cá kiểng đã sống được với nghề, một trong những người ấy phải kể đến Ông Nguyễn Tấn Phong ở A3/69, ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Điện thoại: 0903328850.

Hình: Ông Phong chăm sóc, cho cá ăn

     Ông Phong cho biết: Gia đình tôi trước đây chỉ chuyên sản xuất cá thịt như cá tra, trê, lóc, điêu hồng… sống được nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2003, nhận  thấy phong trào nuôi cá kiểng ở Quận 8 lúc bấy giờ đang “ăn nên làm ra” nên mấy anh em ở địa phương rủ nhau đi tham quan, học tập. Chúng tôi đến nhà Chú Mười (quận 8) chuyên gia sản xuất cá chép nhật thời bấy giờ để học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nhà nuôi thử 2.000m2. Mới đầu nuôi cá chép Nhật cũng rất bấp bênh vì kinh nghiệm nuôi cá thịt lại khác xa với nuôi cá kiểng, không thể áp dụng vào nuôi cá kiểng nên tôi phải học hỏi từ từ và rút kinh nghiệm. Sau 6 tháng nuôi tôi thu được lời 10 triệu/2.000m2 nhiều hơn nuôi cá thịt 7 triệu, thấy cũng có ăn nên dần dần tự nhân giống và nuôi tới giờ, lúc đầu giá bán được khá cao 400 – 500 ngàn đồng/kg, nay thì chỉ còn 120 – 140 ngàn đồng/kg và tôi đã dần mở rộng sản xuất khi lợi nhuận ngày một nhiều. 
     Đến năm 2012, được sự quan tâm hỗ trợ của Trạm Khuyến nông Bình Chánh cho đi tập huấn, tham quan về mô hình cá Koi, tôi bắt đầu tìm hiểu và nuôi thêm loại cá này – Đây là con cá được đánh giá là có giá trị kinh tế rất cao. Đến nay gia đình anh đã mở rộng được 2ha, các anh em trong gia đình thêm 3ha nữa, tổng cộng 5ha. Hiện nay, gia đình chúng tôi nuôi 04 loại cá: cá Koi, chép Nhật, Nam Dương và Ông Tiên. Anh cho biết: Nuôi cá kiểng này có kinh tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Với 2ha, trung bình mỗi tháng tôi thu lời cũng được khoảng 30 - 40 triệu /tháng bình thường trong năm, còn các tháng Tết (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau) thu cũng hơn 100 triệu mỗi tháng. Tính ra mỗi năm thu được 700 – 800 triệu. Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 nhân công, mỗi ngày trả 200 ngàn đồng, bao cơm.
     Theo anh Phong: Cái khó của người nuôi cá kiểng trong ao hiện nay là phụ thuộc vào nguồn nước, do ở địa phương lấy nước sông mà nước sông hay bị ô nhiễm do nước thải từ khu công nghiệp địa phương thải ra thất thường. Với kinh nghiệm khi lấy nước vào ao lắng, bón vôi hay sử dụng chế phẩm Zeolite để xử lý nước 1 tháng/lần, ở ao nuôi cá 01 tuần/lần (1 bao cho 1.000m2). Nguồn nước ở đây rất phù hợp với nuôi cá chép Nhật, cá Koi với độ pH 7.0 – 7.5. Lúc đầu còn sử dụng độ đo pH để do nhưng lâu dần chỉ cần nhìn màu nước là biết đạt hay không. Thị trường chủ yếu ở Chợ Lưu Xuân Tín, Nguyễn Thông, ngoài ra còn hợp tác với  anh Cường – chuyên gia sản xuất và kinh doanh cá ở địa phương (Ấp 4, xã Tân Nhựt) và Trại cá Tống Hữu Châu, quận 12 để bán xuất khẩu với khoảng 20% số lượng cá bán ra.
Không chỉ thành công từ 04 loại cá đang nuôi, anh Phong luôn tìm tòi, thử nghiệm nhiều đối tượng cá khác, hiện tại anh đã thử nghiệm thành công con cá kim ngân, con cá này cũng rất phù hợp với nguồn nước địa phương nhưng do là giống nhập từ Úc nên chưa ép cho đẻ được. Con giống mua với giá 1.000 đồng/con, sau 6 tháng nuôi bán được 30 - 40 ngàn đồng/con. Với giá này là rất cao trong khi chi phí nuôi lại ít, dự tính sẽ đem lại lợi nhuận cao cho gia đình. Anh đang xúc tiến mướn thêm 02ha nữa để nuôi cá kim ngân.  
Theo anh phong trào nuôi cá cảnh tại địa phương đang phát triển rất mạnh, vì đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Hiện xã Bình Lợi đã thành lập được 01 tổ hợp tác nuôi cá cảnh với quy mô hơn 18ha, 20 hộ tham gia, trong đó gia đình tôi tham gia rất tích cực trong tổ hợp tác này. Đến với tổ hợp tác chúng tôi cùng nhau trao đổi, giúp nhau về kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ thị trường tiêu thụ và cùng nhau bảo vệ nguồn nước chung nhằm hạn chế dịch bệnh trên diện rộng.
Với kinh nghiệm nuôi cá cảnh trong thời gian dài, anh Phong đề nghị: là nông dân chỉ biết nuôi theo kinh nghiệm nên được sự quan tâm hỗ trợ của Trạm Khuyến nông quận và thành phố là điều rất đáng quý. Sắp tới, chúng tôi cần hỗ trợ kỹ thuật, cách phòng và trị bệnh, giới thiệu các loại giống cá mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nguồn nước địa phương giúp người dân nơi đây sống ổn định với nghề nuôi cá kiểng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống./. 

MÔ HÌNH HIỆU QUẢ TỪ CHĂN NUÔI BÒ SỮA BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN XÃ AN NHƠN TÂY

Phạm Văn Vũ thuộc ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi
Đến với quê hương đất thép Củ Chi, xã An Nhơn Tây anh hùng. Chúng ta có dịp vào thăm trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Phạm Văn Vũ thuộc ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi với mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững kết hợp kinh doanh thức ăn tinh cho bò, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.
-Địa chỉ đầu tư: ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, Huyện Củ Chi.
-Tên mô hình: “Mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững”
-Quy mô sản xuất: 2,5 hecta trong đó có 6.00 m2 diện tích chuồng trại, còn lại là diện tích trồng cỏ.
-Sản phẩm: sữa bò tươi.
-Doanh thu hàng năm: 1,6 tỷ đồng/ năm.
Trang trại hiện tại của anh có diện tích khoảng 2,5 hecta, tổng đàn bò sữa của gia đình là 55 con, trong đó có 31 con đang cho sữa, năng suất sữa bình quân là 12 kg sữa/con/ngày, chất lượng sữa luôn đạt chuẩn của nhà thu mua – Công ty Friesland Campina, với giá bán sữa luôn ở mức cao, bình quân 12.000 đ/kg sữa.
Khởi nghiệp chăn nuôi bò từ năm 1997 với vài con bò sữa, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và chưa tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên thu nhập của gia đình anh chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Không bằng lòng với kết quả đạt được, ý thức sự học hỏi là quan trọng, anh tìm đến những mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao để học tập kinh nghiệm, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Hội nông dân xã, Trạm Khuyến nông Củ Chi, Hội Nông dân huyện Củ Chi đã tạo điều kiện cho anh được tham dự nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, tham quan học tập một số mô hình chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao trong, ngoài Thành phố và tại Thái Lan, nhờ vậy anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Vì thế , đàn bò giống sinh sản tốt, ít bệnh tật và tất cả bê cái sinh ra đạt tiêu chuẩn đều được chọn lọc giữ lại để nhận đàn. 
Khi được hỏi về bí quyết để giữ vững, phát triển và đạt hiệu quả cao nghề nuôi bò sữa của gia đình, anh Vũ bộc bạch rằng: Trước đây, việc chăm sóc đàn bò sữa chủ yếu là lao động thủ công từ khâu cắt cỏ, băm cỏ, vắt sữa, cho bò ăn, cho đến khi được tham dự các lớp tập huấn, tham quan, hội thảo và xây dựng mô hình trình diễn của khuyến nông, qua học tập kinh nghiệm từ các kỳ Hội thi bò sữa do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức. Đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo xã An Nhơn Tây, lãnh đạo huyện Củ Chi và Trung tâm Khuyến nông TP HCM đã tạo điều kiện cho gia đình tham gia Đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa”, gia đình đã quyết định cải tạo chuồng trại thông thoáng, thiết lập sân cho bò vận động, mạnh dạn trang bị máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt sữa, máy băm thái cỏ, máy cắt cỏ cầm tay, máy trộn thức ăn TMR, hệ thông làm mát chuồng trại, xây dựng hầm biogaz để xử lý chất thải và tận dụng chất đốt, trồng thâm canh các giống cỏ có chất lượng cao như cỏ Mulato, cỏ mombasa để bố sung vào khẩu phần ăn hàng ngày của đàn bò.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương chung của thành phố về nâng cao chất lượng đàn bò sữa giai đoạn 2016 – 2020 và phát triến giống bò thịt chất lượng cao trên địa bàn thành phố, trong đó có mô hình “Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại” do Trung tâm Khuyến nông thành phố triển khai, anh Vũ đã mạnh dạn loại thải những con bò có năng suất sữa thấp, phối giống nhiều lần không đậu thai, chỉ giữ lại những bò cái sữa cho năng suất sữa thấp nhưng khả năng sinh, sản tốt để phối tính bò thịt cao sản. Hiện tại, trang trại của gia đình anh đã có 05 con bê đực lại từ bò cái HF với tinh bò BBB, trọng lượng bê Sơ sinh là 35kg và có tốc độ tăng trọng khá nhanh. Không dừng lại ở đây, với bản tính harm học hỏi, dám nghĩ, mạnh dạn làm, anh Vũ đã nhiệt tình tham gia công trình thi đua của cán bộ khuyến nông “Thử nghiệm bước đầu tạo bê lai Kobe từ gieo tinh nhân tạo”. Với 02 bò cái nền gồm bò hậu bị và bò đã đẻ lứa 2, mỗi con chỉ 1 liều phối duy nhất đã đậu thai, hiện trang trại đã có 02 bê cái lại Kobe từ kết quả gieo tinh nhân tạo giữa bò cái nền HF với tình bò Kobe, trong lượng sơ sinh của bê lại Kobe là 32kg. Hướng sắp tới anh Vũ sẽ tiếp tục chọn lọc, thay đàn bò sữa HF cho hiệu quả thấp chuyển dần sang phối tình bò thịt chất lượng cao để gia tăng thêm lợi nhuận.

Hình: anh Phạm Văn Vũ bên chuồng bò sữa của gia đình

Với bản chất siêng năng, cần cù và ham học hỏi của người nông dân, anh Vũ đã không ngừng học hỏi, đầu tư cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò sữa của gia đình. Cùng với vốn kiến thức và kinh nghiệm có được, anh Vũ củng rất nhiệt tình trong việc chia sẽ và hướng dẫn kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ mới “vô nghề” từ khâu xây dựng chuồng trại, lựa chọn con giống, cách chăm sóc…
Bên cạnh đó anh củng luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương như: Vận động xây dựng và thành lập Tổ họp tác chăn nuôi bò sữa của ấp với 15 thành viên, nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa, hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn về kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi, tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động, hỗ trợ phối giống tinh bò chất lượng cao cho 75 hộ… 
Mô hình chăn nuôi bò sữa bền vững kết hợp kinh doanh thức ăn tinh cho bò của anh Phạm Văn Vũ thật sự rất hiệu quả, anh là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều giấy khen của các cấp Hội vì đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

MÔ HÌNH ANH NÔNG DÂN CỦ CHI, MẠNH DẠN TĂNG ĐÀN NUÔI BÒ THỊT LAI HƯỚNG NGOẠI

Võ Kim Khuê, ngụ tại Ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi
Củ Chi từng được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi bò sữa tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), với những điều kiện thuận lợi có nhiều đồng cỏ voi xanh bao la, cùng quỹ đất rộng lớn tạo điều kiện dễ dàng cho chăn nuôi bò. Tuy nhiên, khi nhu cầu thị trường thay đổi, giá sữa bấp bênh,… Do đó, nguồn thu từ bán sữa của nhiều hộ nuôi bị giảm mạnh, trong khi giá thức ăn cho bò ngày càng tăng. Vậy là thu không đủ chi buộc nhiều hộ đã chuyển sang nhiều nghề khác, trong đó có nghề nuôi bò thịt. “Bởi so với nghề nuôi bò sữa, thì nuôi bò thịt nhẹ nhàng hơn về công chăm sóc, mà giá thành còn được ổn định, giúp hộ nuôi có lợi nhuận cao hơn bò sữa nhiều” - Đó là lời chia sẻ và phân tích của anh Võ Kim Khuê (sinh năm 1977, ngụ tại Ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP.HCM) về thực trạng của nhiều nông dân nuôi bò sữa trong thời gian qua. Hiện anh Khuê là một trong những hộ đã mạnh dạn tăng đàn nuôi bò thịt và đang từng bước có được những hiệu quả về nghề này.
-Địa điểm đầu tư: Ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi
-Quy mô sản xuất: 45 – 50 con bò thịt.
-Sản phẩm và dịch vụ: cung cấp bò thịt cho thị trường.
-Lãi suất hàng năm: 260 -  275 triệu đồng/năm

Hình: Sản phẩm bò thịt lai hướng ngoại của nông dân xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi

     Theo anh kể, trước đây gia đình anh chủ yếu nuôi bò sữa, với tổng đàn từ 45 – 50 con, dù đã được các cơ quan chuyên môn như Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân địa phương hỗ trợ nhiều về kỹ thuật, cơ giới hóa trong quá trình chăn nuôi,… nhưng những năm gần đây nghề nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn. Nên sau khi tìm hiểu về nhu cầu thị trường, anh biết thịt bò là một trong những thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, trong đó có TP.HCM. Vì nó có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều axit amin, các chất béo, chất khoáng, vitamin,... cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, đây cũng là loại thực phẩm có thể chế biến được nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Chính những ưu điểm đó, nên nhu cầu thịt bò tại TP.HCM ngày càng được tăng cao. Đó cũng chính là lý do để anh Khuê tận dụng kinh nghiệm có sẵn, tận dụng chuồng trại, cũng như các thiết bị cơ giới hóa “như hệ thống phun sương, quạt gió của chuồng bò sữa” ở nhà để chuyển qua chăn nuôi bò thịt. 
     Hình thức nuôi của anh là đi thu mua các con giống bò thịt lai giống ngoại từ những hộ nuôi nhỏ lẻ bò thịt, nhưng có lý lịch rõ ràng trên địa bàn huyện, về tiếp tục nuôi dưỡng đến khi đạt chất lượng và yêu cầu đặt ra anh sẽ cho xuất chuồng. Bò thịt khi anh mua về có độ tuổi từ 10 – 12 tháng, trung bình khoảng 200 kg/con và có giá thành khoảng 20 triệu đồng/con. Sau thời gian nuôi với phương thức nhốt hoàn toàn, cộng với khẩu phần ăn hợp lý cỏ tươi, rơm khô, xác mì, cám,… khoảng 01 năm sau anh cho xuất chuồng. Lúc này bò có trọng lượng từ 600 – 650 kg/con. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi từ 9 - 9,5 triệu đồng/con, như vậy tính từ năm 2018 đến nay, anh đã cho xuất chuồng 29 con và anh vừa gầy lại đàn mới, hiện trong chuồng nhà anh có 18 con.
     Chia sẻ về ưu điểm của mô hình nuôi bò thịt anh Khuê cho biết: so với nuôi bò sữa thì nuôi bò thịt ít công chăm sóc hơn, bò mau lớn hơn và đặc biệt bò ít bệnh hơn, giúp người nuôi dễ dàng duy trì và phát triển cho việc chăn nuôi. Tuy nhiên, theo anh Khuê để nuôi bò thịt đạt yêu cầu chất lượng, phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và nhất là phải gầy được tổng đàn bò tương đối lớn để có tỷ suất lợi nhuận cao. Đồng thời, khi nuôi cũng cần phải chú ý đến khẩu phần thức ăn hợp lý và quy trình chăm sóc phù hợp,…
     Chính cách mạnh dạn trong việc chuyển đổi nghề nuôi, cũng như kinh nghiệm của mình đã giúp anh Võ Kim Khuê có được hiệu quả trong nghề nuôi bò thịt. Mô hình của anh có thể xem là mô hình điểm để nhiều hộ nuôi bò ở TP.HCM nói chung và Củ Chi nói riêng có thể tham quan học tập và nhân rộng. Vừa qua, mô hình của anh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố chọn làm điểm giới thiệu với Đoàn nước Lào đến tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt trên địa bàn Thành phố. 
     Để tiếp tục phát triển mô hình ngày càng có kỹ thuật chuyên sâu hơn, anh Khuê cho biết trong năm 2019 này, anh là một trong những hộ được chọn tham gia “Mô hình thử nghiệm Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại giai đoạn 7  đến 18 tháng tuổi” do Khuyến nông Thành phố tổ chức. Qua mô hình này, anh sẽ học tập được kỹ thuật cũng như cách chăm sóc bò do Khuyến nông hướng dẫn và hỗ trợ 100% thức ăn tinh, giúp mô hình ngày càng đạt hiệu quả hơn. Hy vọng với bước khởi đầu này sẽ là “bàn đạp vững chắc” để anh Khuê phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt lai hướng ngoại, nâng cao thu nhập gia đình, góp phần phát triển nghề chăn nuôi bò thịt tại Củ Chi nói riêng và TP.HCM nói chung được phát triển theo hướng mới.

MÔ HÌNH ĐI ĐẦU TRONG TRỒNG RAU THỦY CANH KẾT HỢP NUÔI CÁ THƯƠNG MẠI MANG LẠI HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Chỉ với 2 nhân công canh tác trên diện tích 1.200 m2 nhưng mang lại nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình hiệu quả của aquaponics nuôi cá cảnh kết hợp trồng rau an toàn mà gia đình anh Hồ Thanh Huy ở ấp 6, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh đang thực hiện.
Họ tên: Hồ Thanh Huy;            
Địa chỉ: Ấp 6, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM;
Qui mô: 1.200 m2. 

Hình: Nuôi cá – trồng rau tuần hoàn nước

     Sau một thời gian mày mò tìm hiểu các tài liệu trên mạng và sách, năm 2013, Hồ Thanh Huy bắt đầu thử nghiệm mô hình tại vườn nhà, nuôi cá chạch kết hợp trồng rau. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và chỉnh sửa cách thực hiện cho phù hợp, dần dần anh Thanh Huy đã hoàn chỉnh được mô hình tại gia đình, trở thành một trong những mô hình thương mại đầu tiên ở Việt Nam.

Hình: Anh Hồ Thanh Huy kiểm tra rau xà lách đang trồng

     Đang nuôi, trồng 8 bể cá koi 8.000 con và các loại rau trên diện tích gần 1.000 m2 nhưng mỗi ngày gia đình anh Hồ Thanh Huy đều không phải tốn công chăm sóc cá, tưới nước cho rau vì tất cả mọi công đoạn đều thực hiện tự động với mô hình aquaponics.
Chia sẻ về mô hình này, anh Hồ Thanh Huy cho biết, là một người ưa thích tìm hiểu các mô hình kinh tế nông nghiệp trên thế giới, anh được biết aquaponics là mô hình chăn nuôi, trồng trọt bền vững của Mỹ, đòi hỏi kỹ thuật cao nên chưa được phổ biến ở Việt Nam.
      Đây là mô hình kết hợp nuôi thủy sản và cây trồng trong một hệ sinh thái tuần hoàn nhân tạo sử dụng các chu trình tự nhiên với sự góp mặt của vi khuẩn để chuyển đổi chất thải của cá thành chất dinh dưỡng cho cây trồng.
     Mô hình này tạo ra nguồn thực phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường, khai thác các thuộc tính tốt nhất của nuôi trồng thủy sản (aquaculture) và trồng rau thủy canh (hydroponics) mà không cần phải xả nước thải, lọc nước hoặc thêm các loại phân bón hóa học.
     Hiện gia đình anh Thanh Huy thực hiện mô hình aquaponic với diện tích nhà màng 1.200 m2 với 8 bể nuôi 8.000 cá koi và các khu vực trồng rau 2 tầng, lợi nhuận mỗi năm khoảng 500 triệu đồng. Cá cảnh anh đang nuôi là cá koi giống sản xuất tại Việt Nam được nhập từ các trại giống ở huyện Bình Chánh, nuôi từ 3 -12 tháng có thể xuất bán với giá 200.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho các thương lái.
     Trong khi đó, các loại rau như tía tô, xà lách và rau thơm gia vị trồng theo mô hình aquaponics bán giá cao hơn mô hình canh tác truyền thống khoảng 5.000 đồng/kg, chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch.
     Đặc biệt hơn, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp rau sạch, anh Hồ Thanh Huy còn sáng tạo nên sản phẩm tía tô túi lọc có tác dụng thanh nhiệt, chữa bệnh đang được thị trường ưa chuộng.
     Anh Hồ Thanh Huy cho hay, trung bình mỗi tháng gia đình anh thu hoạch khoảng một tấn rau tía tô. Lượng rau này được mang đi phơi, sấy khô, bằm nhỏ rồi xay nhuyễn, đóng gói thành tía tô túi lọc cung cấp cho các đại lý trong cả nước. Tía tô túi lọc có tác dụng chữa ho, long đờm, bệnh đường ruột ở trẻ em, giúp phụ nữ an thai, đẹp da và có tác dụng tốt với những người bị bệnh gout nên trở thành mặt hàng được nhiều người sử dụng.
     Đáng chú ý, mô hình aquaponics của anh Hồ Thanh Huy đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh công nhận là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đạt giải nhì giải thưởng mô hình nông nghiệp sáng tạo của Hội Nông dân thành phố vào năm 2018.
     Đây cũng là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp lọt vào vòng chung kết Giải thưởng sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
     Đặc biệt, anh Hồ Thanh Huy cũng đã chuyển giao thành công mô hình này cho một số hộ nông dân trên địa bàn thành phố, thường xuyên chia sẻ cách thực hiện mô hình cho các nông dân có nhu cầu.
     Không dừng lại ở mô hình aquaponics cho thu nhập ổn định, anh Hồ Thanh Huy đang lên kế hoạch mở rộng diện tích nhà màng để tăng sản lượng cá cảnh, rau sạch, đồng thời sẽ thử nghiệm nuôi cá koi có nguồn gốc từ Nhật Bản nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

MÔ HÌNH TRỒNG CÂY RAU ĂN QUẢ TẠO VIỆC LÀM

     Trước đây, hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, nhiều khi thiếu đói. Nhà có 2 vợ chồng và 2 con nhưng trồng lúa gặp thời tiết thuận lợi may lắm thì mới đủ ăn. Với mong muốn thoát nghèo, ông vay mượn ngân hàng theo chương trình hỗ trợ vốn vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng vậy nuôi trên địa bàn thành phố để phát triển sản xuất. Từng bôn ba qua nhiều công việc khác nhau như bán cà phê, mua bán đậu, lúa; mở nhà máy xay lúa rồi... nhưng vẫn không thể làm giàu lên được. 
     Đến năm 2004, vốn là một nông dân gắn bó với ruộng đồng nên khi thấy đất bỏ hoang ông Nguyễn Văn Trãi tiếc lắm, ông bèn bàn với vợ thuê lại để trồng rau. Thế là bao nhiêu vốn liếng được ông dồn vào cải tạo đất, san lấp mặt bằng, phát quang cây bụi, vét đất làm đường đi… Ban đầu tôi trồng 2 ha, lúc mới bắt đầu ông chỉ tập trung vào sản xuất trên diện tích khoảng 2 ha đất nhà mình. Nhờ đảm bảo quy trình trồng và tạo dựng được uy tín cho thương lái, ông nhanh chóng mở rộng thêm diện tích bằng cách ký hợp đồng thuê đất lên 5ha, 7ha, 10ha, 13ha, 17ha và đến nay là 30ha. Chúng tôi xin giới thiệu mô hình như sau:
1.Thông tin chung về mô hình:
-Họ tên: Nguyễn Văn Trãi; Địa chỉ: ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
-Địa điểm đầu tư: ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, 
-Mô hình sản xuất rau ăn quả với Tổng diện tích: 30 ha, trong đó:
+Sản phẩm: khổ qua, cà tím, dưa leo, bầu, bí xanh, ớt, mướp…
+Năng suất: >5 tấn/ngày.
+số lao động: 60 lao động
     Để chủ động cung cấp đa dạng các loại sản phẩm rau ăn quả tôi đã chia đất ra từng khu để trồng các loại rau ăn quả khác nhau như: Bầu, bí, dưa leo, cà, khổ qua, mướp… Có loại tôi trồng ít thì 3 – 5ha, còn nhiều thì cả chục ha. Cây trồng đều được lên liếp thẳng tắp, có giàn bằng tre. Do thổ nhưỡng thuận lợi cùng với được chăm sóc tốt nên cây cối phát triển xanh tốt và cho  hoa, quả quanh năm.
     Cùng với việc mở rộng diện tích đất trồng, ông cũng đầu tư rất nhiều tiền để cải tạo kênh mương dẫn nước, làm đường đi để vận chuyển nông sản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng số tiền đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ sau 3 vụ đầu ông đã thu hồi lại được. Ông đã từng tham gia đi nhiều nơi như: Đà Lạt, Tây Ninh, Cần Thơ... để dự các hội thảo trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, ông còn tự học hỏi để ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để năng suất ngày cao tăng cao, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Hình: Anh Trãi với mô hình của mình

     Nhờ lợi thế kênh đông cung cấp nguồn nước ổng định, ông đã đầu tư làm hệ thống thủy lợi bao bọc toàn bộ diện tích trồng để cung cấp nước cho vườn một cách thuận lợi nhất. Sản phẩm có quanh năm, mùa nào thức nấy, cung cấp ra thị trường ngày ít nhất cũng 4-5 tấn, có lúc cao điểm lên đến 20 tấn/ngày. Sản phẩm đa dạng: khổ qua, cà tím, dưa leo, bầu, bí xanh, ớt… qua đó tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động có việc làm ổn định, trong đó hầu hết là bà con dân tộc Khơ me, ông đã xây dựng nhà ở cho công nhân ở để thuận tiện trong việc sản xuất.
     Nhận thấy mô hình trồng rau ăn quả sạch và tập trung với quy mô lớn có hiệu quả về kinh tế nên bà con nông dân trên địa bàn xã mong muốn được trồng. Nên ông đã phối hợp cùng Hội nông dân xã đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng rau bà con hội viên, nông dân và nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra mỗi năm tôi đều trồng 5 – 6 ha lúa, chủ yếu cũng để phát cho người làm. Riêng về công việc, tùy theo khả năng lao động, theo độ tuổi mà tôi bố trí làm những công việc khác nhau. Người khỏe mạnh thì khuân vác hàng, người già thì đóng gói, trẻ em thì có thể bỏ dăm. 
     Điển hình như gia đình Bà Trần Thị Thon (dân tộc Khmer, quê Sóc Trăng)  có 3 người con đã lên làm việc cho tôi được nhiều năm nay. Thấy điều kiện làm việc tốt, có thu nhập quanh năm nên cách đây hơn 2 năm bà cũng xin lên làm việc. Hiện nay do lớn tuổi nên bà chỉ làm công việc đóng gói, nhưng mỗi tháng vẫn có thu nhập 3 – 4 triệu đồng. Từ khi lên đây làm, cuộc sống đỡ vất vả hơn ở dưới quê.
     Còn anh Tăng Thương (người Khmer, cùng quê Sóc Trăng) cho biết anh lên trồng rau đã được hơn chục năm nay. Ở đây các công nhân được chăm lo tốt về đời sống, đặc biệt có việc làm quanh năm. Riêng đối với anh, trong quá trình làm việc ở đây anh cũng đã lấy vợ và sinh được 2 con. Hai vợ chồng anh được ông Tư Trải tạo điều kiện cất nhà cho ở, không phải ở thuê bên ngoài. Mỗi tháng anh có thu nhập 4,5 triệu đồng, vợ anh cũng làm thêm các công việc trong trại rau nên cuộc sống ổn định. 

Hình: Thu hoạch sản phẩm rau ăn quả

     Gia đình ông làm ăn có hiệu quả kinh tế gia đình ổn định, ông và gia đình thực hiện tấm lòng tương trợ về tình làng nghĩa xóm giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cứ các ngày đầu tháng đều tặng tặng 20 phần quà, mỗi phần 15kg gạo cho công nhân nghèo ở tại nhà trọ Thái An, ấp Ngã Tư. Ngoài ra, còn tặng cơm chay miễn phí hàng tháng vào ngày 15 âm lịch, mỗi lần tặng khoảng 150 hộp. Không chỉ tặng gạo, cơm hàng tháng mà còn tặng quà cho hộ nghèo và gia đình chính sách neo đơn ở các ấp vào dịp lễ tết, mỗi phần từ 300.000đ – 500.000đ.
     Nhờ tham dự các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và kiên trì áp dụng chương trình VietGAP, sản phẩm của ông đạt chuẩn rau sạch, được hợp tác xã Nhuận Đức và nhiều thương lái quan tâm thu mua để đưa đi các siêu thị và những chợ đầu mối trong thành phố. Nhờ thế mà đầu ra sản phẩm của ông luôn được ổn định về số lượng và giá cả lúc nào cũng cao và nhờ dám làm quy mô lớn. Với cách này, cây trồng cho thu hoạch quanh năm, nếu một loại bị thất thu sẽ có loại khác đắp vào. Trong quá trình trồng ông cũng phải tính toán chọn “điểm rơi” của giá cả, mùa vụ để bố trí trồng cây cho hợp lý. Bên cạnh đó ông cũng tích cực tận dụng các liếp đất có sẵn để trồng xen canh các loại cây. Chẳng hạn như tôi trồng xen cà pháo trên các liếp bí, liếp dưa… hoặc khi thấy màn phủ nylon còn tốt, ông kêu người nhổ gốc dưa leo đi để gieo hạt bầu vào đó. Nên bên cạnh việc tạo ra nguồn thu nhập ổn định sau khi trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng/năm, ông còn bảo đảm cho mỗi lao động nhận được ít nhất cũng 4 triệu đồng/tháng. Dù đã làm chủ, nhưng ông cũng không quen việc ngồi một chỗ mà vẫn đều đặn ra đồng mỗi ngày. 
     Với những thành công trên năm 2013 ông được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen  vì có thành tích trong công tác phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố.
     Năm 2015 ông được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác, thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2014-2015.

Người viết : Nguyễn Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc